Hỏi: Dạo này, tôi có nhiều chuyện phải lo lắng, nhiều khi cũng không biết là mình lo cái gì nữa. Lo lắng làm cho tôi mất ngủ, thế nhưng sao uống thuốc giảm lo mà vẫn ngủ không được. Tôi mua thêm thuốc ngủ bán tự do thì ngủ cũng được một chút nhưng không ngon giấc và cứ sật sừ cả ngày. Có cách nào chữa tốt hơn không? (bà Hoà (Garden Grove), bà Thơm, Thanh, ông Bính, Du –câu hỏi tương tự-)
Đáp: Lo âu và mất ngủ là vấn đề rất thường gặp. Khoảng 50 phần trăm người Hoa Kỳ bị mất ngủ và khoảng 25 phần trăm bị bệnh lo âu vào một lúc nào đó trong cuộc đời của họ. Khoa học hiện nay có những cách trị các vấn đề này tương đối rất công hiệu. Tuy nhiên, ta phải dùng đúng thuốc, chữa đúng bệnh và phải kết hợp các biện pháp không dùng thuốc bên cạnh các thuốc thích hợp được kê toa bởi bác sĩ sau khi thăm khám cẩn thận.
Đầu tiên, muốn trị khỏi bệnh, cần phải có chẩn đoán chính xác. Trong câu hỏi, có hai vấn đề tưởng như một nhưng không phải là một, đó là lo âu, và mất ngủ.
Lo âu là một nguyên nhân gây ra mất ngủ. Tuy nhiên, nó không phải luôn luôn là nguyên nhân của chứng mất ngủ. Nếu chỉ bị mất ngủ nhưng không bị bệnh lo âu, ta chỉ cần trị mất ngủ. Còn nếu bị lo âu mà chỉ dùng thuốc trị mất ngủ thôi, thì sẽ không đủ, vì nguyên nhân đã không được giải quyết. Đôi khi thuốc trị lo âu khi làm giảm lo âu có thể trị luôn chứng mất ngủ; tuy nhiên một số thuốc trị lo âu có thể làm khó ngủ, và khi đó cần kết hợp với thuốc ngủ thích hợp. Trong giai đoạn đầu dùng thuốc trị lo âu, dù cho thuốc đó không làm khó ngủ, trong lúc chờ cho thuốc phát huy tác dụng giảm lo, nếu bệnh nhân vẫn chưa ngủ được, nhiều khi, bác sĩ cũng phải tạm thời cho thuốc giúp ngủ để trị triệu chứng mất ngủ này.
Do đó, nếu bị mất ngủ kéo dài, ta nên đến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác, cho thuốc thích hợp. Cho tới nay, các thuốc bán không cần toa bác sĩ không phải là các thuốc tốt và có thể có nhiều tác dụng phụ.
Đầu tiên, để tránh và chữa mất ngủ, ta cần áp dụng các nguyên tắc vệ sinh về giấc ngủ sau đây:
Nếu áp dụng các biện pháp trên mà vẫn không ngủ được, nên đến thăm bác sĩ. Bác sĩ sẽ hỏi bệnh tỉ mỉ để xem có vấn đề nào có thể là nguyên nhân của mất ngủ hay không. Các vấn đề này có thể là vấn đề thể lực hoặc tâm thần. Thí dụ, viêm khớp làm cho đau nhức, dù ít ít, cũng có thể là một nguyên nhân. Về mặt tâm thần, bên cạnh bệnh lo âu, rất nhiều bệnh khác như trầm cảm, bệnh cuồng (mania), vân vân, cũng gây ra mất ngủ. Và khi đó, trị bệnh chính là quan trọng bên cạnh thuốc ngủ tạm thời nếu cần thiết.
(Hình: Google Search)
Trong câu hỏi, bác Hoà có dùng một thuốc nào đó mua không cần toa bác sĩ. Có nhiều “thuốc” thường được dùng để giúp ngủ, nhưng thực sự có thể ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ. Vài ví dụ:
Ngay cả thuốc ngủ kê bởi bác sĩ cũng có nhiều loại khác nhau. Người bị khó dỗ giấc ngủ sẽ dùng loại thuốc khác với người nữa đêm thức giấc rồi không ngủ lại được hoặc bị thức giấc quá sớm. Các thuốc cũng có thể tương tác với các thuốc khác hoặc không nên dùng trong một số bệnh nào đó. Do đó, như đa số các bệnh tật khác, ta không nên mượn thuốc của người khác.
Khi cần dùng thuốc, bác sĩ sẽ cố gắng cho liều thấp nhất và dùng trong thời gian ngắn nhất có thể được. Khi ngưng thuốc cũng thường phải giảm liều từ từ chứ không ngưng đột ngột.
Tóm lại, lo âu và mất ngủ là hai vấn đề có liên quan với nhau, nhưng cách trị sẽ khác nhau. Ngoài lo âu, nhiều bệnh khác về thể chất cũng như tâm thần, cũng gây mất ngủ. Bác sĩ sẽ phải thăm khám bệnh cặn kẽ để biết đâu là vấn chính để cho thuốc thích hợp.
Bên cạnh thuốc men, cũng như nhiều bệnh khác, các biện pháp không dùng thuốc chiếm vai trò rất quan trọng và có thể giảm bớt việc dùng thuốc không cần thiết.
Thân mến,
Bác sĩ Nguyễn Trần Hoàng
(714) 531-7930
nguyentranhoang@aol.com
Mục này chỉ nhằm giải đáp các thắc mắc về sức khoẻ có tính cách tổng quát. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết, của từng bệnh nhân, xin liên lạc trực tiếp với bác sĩ để được thăm khám trực tiếp.
April 10, 2004